Hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách cho sinh viên và các mẫu đơn kèm theo

15 tháng 6, 2020

I. MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

1. Đối tượng được miễn học phí

- Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Sinh viên khuyết tật.

- Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. 

- Sinh viên hệ cử tuyển theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.

- Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.

2. Đối tượng được giảm học phí

a) Đối tượng được giảm 70% học phí: SV là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Đối tượng được giảm 50% học phí: SV là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

3. Hồ sơ: SV thuộc diện miễn, giảm học phí chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ nộp lần đầu cho cả thời gian học tập. Riêng đối với SV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vào mỗi đầu học kỳ phải nộp bổ sung giấy xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm cho kỳ học tiếp theo.

II. TRỢ CẤP XÃ HỘI

1. Đối tượng: SV đang học tại các trường đào tạo công lập hệ chính quy tập trung thuộc các diện sau:

a) SV là người dân tộc ít người ở vùng cao, căn cứ vào giấy khai sinh hoặc giấy kết hôn của bố mẹ (bản gốc), có hộ khẩu thường trú ở vùng cao từ 3 năm trở lên (tính từ thời điểm nhập học);

b) SV là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa (phải xuất trình giấy xác nhận của Phòng LĐTB&XH quận, huyện, thị xã nơi cư trú là mồ côi cả cha lẫn mẹ không có người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên);

c) SV là người tàn tật theo quy định số 81/CP ngày 23/11/1995, là người khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên do tàn tật (phải xuất trình biên bản giám định y khoa của Hội đồng Y khoa có thẩm quyền; giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường về hoàn cảnh kinh tế khó khăn);

d) SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó trong học tập (gia đình thuộc diện xoá đói giảm nghèo có giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền).

2. Mức hỗ trợ: SV thuộc đối tượng mục a được cấp 140.000 đ/tháng; các đối tượng còn lại được cấp 100.000 đ/tháng. TCXH cấp 12 tháng/năm.

3. Hồ sơ: SV làm đơn kèm theo các giấy tờ có liên quan nộp về Phòng CT&CTSV vào đầu mỗi học kỳ để Nhà trường xét duyệt.

III. H TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP

1. Đối tượng: SV là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ; học hệ chính qui. Không áp dụng đối với SV cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học.

2. Mức hỗ trợ: 60% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/SV; số năm được hưởng hỗ trợ CPHT theo thời gian đào tạo chính thức.

3. Hồ sơ: SV làm đơn kèm theo các giấy tờ có liên quan nộp về Phòng CT&CTSV vào đầu mỗi học kỳ để Nhà trường xét duyệt.

4. Một số lưu ý

- Trong năm học, nếu gia đình SV thuộc diện đã thoát nghèo thì SV có trách nhiệm nộp văn bản chứng nhận hộ đã thoát nghèo để dừng việc chi trả chi phí học tập cho kỳ tiếp theo;

- Đối với SV chưa thuộc diện hỗ trợ CPHT, nếu trong năm học, gia đình SV được bổ sung diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì nộp hồ sơ làm căn cứ chi trả. Thời gian được hưởng theo hiệu lực của giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Trường hợp trong quá trình học tập, SV thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ CPHT không nộp đơn đề nghị kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo qui định thì chỉ được nhận hỗ trợ CPHT tính từ ngày nhà trường nhận được đầy đủ hồ sơ đến khi kết thúc khóa học và không được giải quyết truy lĩnh tiền hỗ trợ CPHT đối với thời gian đã học từ trước thời điểm SV gửi hồ sơ đề nghị kèm theo các giấy tờ cần thiết có liên quan;   

- SV bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận hỗ trợ CPHT kể từ thời điểm Quyết định kỷ luật có hiệu lực. Trường hợp SV đã nhận hỗ trợ CPHT mà bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì nhà trường dừng thực hiện chi trả hỗ trợ CPHT vào kỳ học tiếp theo;

- SV bị đình chỉ học tập (có thời hạn) thì không được nhận hỗ trợ CPHT trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, hoặc dừng học vì lý do khách quan được nhà trường xác nhận. Trường hợp SV đã nhận hỗ trợ CPHT mà bị đình chỉ học tập thì nhà trường thực hiện khấu trừ số tiền tương ứng với số tháng bị đình chỉ học tập vào kỳ học tiếp theo sau khi SV nhập học lại.

IV. HỖ TRỢ HỌC TẬP (CHO SV DÂN TỘC THIỂU SỐ RẤT ÍT NGƯỜI)

1. Đối tượng: SV các dân tộc thiểu số rất ít người thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

2. Mức hỗ trợ: 100% mức lương cơ sở/người/tháng; Hỗ trợ 12 tháng/năm cho đối tượng có thời gian học đủ 9 tháng/năm trở lên; trường hợp đối tượng học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.

3. Hồ sơ: SV làm đơn kèm theo các giấy tờ có liên quan nộp về Phòng CT&CTSV trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhập trường.

4. Một số lưu ý

- SV nếu học đồng thời ở nhiều khoa/viện trong trường hoặc học ở nhiều trường khác nhau thì chỉ được hưởng hỗ trợ một lần;  

- SV bị ngừng học thì thời gian ngừng học không được hưởng hỗ trợ. SV bị buộc thôi học thì thôi hưởng chính sách hỗ trợ ngay sau khi thôi học;

- SV thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất (VD: không được hưởng hỗ trợ chi phí học tập ở mục III nêu trên).

V. CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI TRONG GIÁO DỤC

1. Văn bản thực hiện

- Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11;

- Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Thông tư số 36/2015/TT-BLĐBXH ngày 28/9/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và con của họ.

2. Hồ sơ: SV khai vào mẫu giấy xác nhận ưu đãi, đến xác nhận tại Phòng CT&CTSV và nộp về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú để được hưởng.

CÁC MẪU ĐƠN TẢI VỀ TẠI ĐÂY (mỗi chính sách 1 bộ hồ sơ riêng)

 

 


Chia sẻ